Một báo cáo về nạn buôn bán thịt mèo ở Việt Nam
FOUR PAWS và tổ chức Change For Animals đã công bố một nghiên cứu mới vào tháng 8 năm 2020
Loài mèo đóng vai trò vô cùng đặc biệt trong xã hội Việt Nam. Từ hàng ngàn năm trước, những sinh vật nghịch ngợm này luôn sát cánh cùng người nông dân bảo vệ thóc lúa, mùa màng khỏi sự phá hoại của loài chuột. Ngày nay, mèo vẫn tiếp tục vai trò quan trọng này nhưng đồng thời cũng đảm nhận một vai trò mới trong xã hội: trở thành một thành viên yêu quý trong gia đình, mang đến niềm vui, sự dễ chịu và sự đồng hành không thể thiếu được.
Tuy nhiên, mối quan hệ đặc biệt này đang bị đe dọa bởi tình trạng buôn bán thịt mèo bất hợp pháp, tàn nhẫn và đầy nguy hiểm, khiến những người nuôi mèo luôn sống trong nỗi lo sợ thú cưng bị bắt trộm mang đi giết mổ, chế biến và trở thành món ăn phục vụ trong các nhà hàng. Hàng ngàn cá thể mèo đang biến mất mỗi ngày do nạn trộm cắp tràn lan, và các gia đình trên khắp đất nước rơi vào tình trạng suy sụp sau khi thú cưng mất tích. Họ thường tuyệt vọng tìm kiếm những người bạn yêu quý của mình tại các lò mổ bẩn thỉu và các nhà hàng. Chính những điều này đã dấy lên sự phản đối công khai ngày càng mạnh mẽ tại Việt Nam đối với hành vi buôn bán thịt mèo.
Đại dịch COVID-19 trong thời gian gần đây đã chứng minh thực tế phũ phàng về những nguy cơ của nạn buôn bán động vật sống. Tình trạng vận hành tương tự như tại Vũ Hán, nơi được xem là khởi nguồn của đại dịch COVID-19, cũng được tìm thấy trong nạn buôn bán thịt mèo tại Việt Nam: động vật bị giam giữ trong điều kiện chật chội, tàn bạo, cách thức hoạt động mất vệ sinh, các loài động vật bị nhốt chung, bao gồm cả các cá thể bị bệnh – tạo nên một môi trường lý tưởng cho các chủng virus mới sinh sôi và phát triển. Đại dịch COVID-19 không chỉ tàn phá thế giới với những thiệt hại nặng nề về người mà còn về mặt kinh tế - đây chính là hồi chuông cảnh tỉnh, đồng thời chỉ rõ yêu cầu đánh giá lại cách thức con người đối xử với động vật, bao gồm cả những động vật đang bị buôn bán thịt. Thêm vào đó, nạn buôn bán thịt mèo cũng cản trở các nỗ lực loại trừ bệnh dại của Việt Nam và thế giới với tình trạng những người tham gia vào hoạt động này vi phạm trắng trợn luật pháp về vận chuyển động vật và kiểm soát bệnh dại. Đáng buồn thay, bất chấp những nguy hiểm và rủi ro về mặt sức khỏe mà nạn buôn bán thịt mèo tiềm ẩn, cuộc điều tra của chúng tôi đã cho thấy nạn buôn bán này hiện đang lan rộng khắp Việt Nam.
Rõ ràng, tất cả các hành vi vận chuyển, giết mổ và tiêu thụ thịt mèo đều phụ thuộc vào các hoạt động bất hợp pháp và sự thiếu thực thi pháp luật, do đó, chúng ta cần hành động ngay để tăng cường, xã hội hóa và thực thi luật pháp nhằm chống lại và chấm dứt hoàn toàn nạn buôn bán thịt mèo.
Những phát hiện từ các cuộc điều tra trên phạm vi toàn quốc của FOUR PAWS và Tổ chức Thay đổi vì Động vật về nạn buôn bán thịt mèo tại Việt Nam và các khuyến nghị nhằm bảo vệ phúc lợi động vật cũng như an toàn và sức khỏe cộng đồng.
Đọc toàn bộ báo cáo (tệp nén) tại đây:
Bạn có thể đọc báo cáo với độ phân giải tốt hơn (5 MB). Xin lưu ý, có thể mất nhiều thời gian hơn để tải tệp PDF này (việc này còn tùy thuộc vào kết nối internet của bạn):
Note: Any advertisements that may appear during the viewing of this video are unrelated to FOUR PAWS. We assume no liability for this content.
Tóm tắt chung
Nguồn gốc chính xác của việc ăn thịt mèo tại Việt Nam vẫn chưa được xác định rõ, tuy nhiên, các dữ liệu và chứng cứ hiện có cho thấy thói quen này đã ngày càng trở nên phổ biến chỉ trong thập kỷ vừa qua. Xuất phát là một mô hình kinh doanh trục lợi có quy mô tương đối nhỏ chủ yếu tập trung ở miền Bắc, ngày nay, hoạt động buôn bán thịt mèo đã phát triển được mạng lưới thương mại quốc tế và liên tỉnh phức tạp trải dài trên hơn 1.000 km, móc nối các khu vực giam giữ với các nhà hàng và lò mổ, tạo ra nguồn lợi nhuận đáng kể cho các đối tượng có liên quan.
Thịt mèo, thường được gọi là "tiểu hổ" trong tiếng Việt, hiện đang được buôn bán trên khắp Việt Nam. Sự tàn nhẫn và đau khổ cố hữu mà hoạt động này gây ra cho hơn một triệu cá thể mèo, nạn nhân của hoạt động buôn bán này mỗi năm, là vô cùng lớn. Bản chất tàn bạo của hành vi bắt trộm, vận chuyển đường dài, nhồi nhét trong những chiếc lồng chật hẹp và giết mổ dã man càng trở nên trầm trọng hơn bởi loài mèo vô cùng nhạy cảm với sự căng thẳng.
Các đối tượng tham gia vào hoạt động buôn bán này chủ yếu vì lợi nhuận, họ vi phạm luật pháp và các quy định hiện hành bao gồm lệnh cấm buôn bán thịt mèo, đồng thời lợi dụng lỗ hổng trong việc thực thi các quy định và luật pháp nói trên. Tại Việt Nam, hoạt động kinh doanh thịt chó không phải là hành vi bất hợp pháp và cũng chưa được quy định rõ ràng, trái lại, đã từng có luật pháp quy định rõ việc cấm săn bắt, giết mổ và tiêu thụ thịt mèo theo Chỉ thị được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào năm 19981. Các quy định và pháp luật này, nếu được thực thi nghiêm túc có thể bảo vệ mèo khỏi nạn buôn bán thịt mèo. Tuy nhiên, với lỗ hổng trong công tác thực thi pháp luật như hiện nay, hành vi buôn bán thịt mèo có thể tự do phát triển.
Hành vi bắt trộm chó và mèo đang diễn ra tràn lan trên khắp Việt Nam. Quần thể mèo đang bị suy giảm ở một số khu vực, đẩy giá mua lên cao và càng khuyến khích các hành vi trơ tráo và hung hăng của những kẻ trục lợi từ hoạt động buôn bán này. Xu hướng này dẫn đến tình trạng gia tăng bất ổn xã hội và bạo lực, đặc biệt, trong một số trường hợp quá khích đang diễn ra ngày một thường xuyên hơn, trên danh nghĩa công lý dân phòng, những tên trộm bị hành hung và thậm chí bị giết bởi những người chủ thú cưng đầy phẫn nộ.
Vào năm 2019, tổ chức FOUR PAWS và tổ chức Thay đổi vì Động vật (CFAF) đã thực hiện các cuộc điều tra trên toàn quốc về tình trạng buôn bán thịt mèo tại Việt Nam. Báo cáo này được cho là tài liệu đầu tiên cung cấp các thông tin chi tiết và các phát hiện gây sốc về hoạt động kinh doanh này:
- Mặc dù không gây sự chú ý trên các phương tiện truyền thông như nạn buôn bán thịt chó, nạn buôn bán thịt mèo tác động trực tiếp đến hơn một triệu cá thể động vật mỗi năm. Mèo đen nói riêng là mục tiêu chính do loài này được cho là có giá trị dược liệu.
- Tình trạng tiêu thụ thịt mèo đang ngày càng phổ biến; việc tìm nguồn cung cấp đủ mèo nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường cũng trở nên khó khăn hơn.
- Để có thể đáp ứng nhu cầu trên toàn quốc, các cá thể mèo – nhiều cá thể thuộc sở hữu cá nhân – bị bắt trộm từ trên đường phố hoặc nhà dân, và bị vận chuyển trái phép trên các hành trình đôi khi kéo dài nhiều ngày trong điều kiện dã man. Nhiều cá thể đã chết trong quá trình vận chuyển do sốc nhiệt, kiệt sức hoặc bị thương khi bị bắt trộm và giam giữ.
- Các phương pháp giết mổ vô cùng thô sơ, thường là dìm nước và đập chết khiến động vật phải chịu đựng một cái chết vô cùng đau đớn.
- Động cơ tiêu thụ thịt mèo khác nhau, tuy nhiên việc tiêu thụ thịt mèo liên hệ chặt chẽ với sự mê tín, vai trò dược liệu và truyền thống ăn uống.
- Việt Nam đã từng ban hành luật cấm săn bắt, giết mổ và tiêu thụ mèo; có thể xem xét khôi phục lại đạo luật này.
Đại dịch COVID-19 hiện nay đã thu hút sự chú ý toàn cầu về những nguy hiểm mà các chợ động vật sống có thể gây ra cho sức khỏe và an toàn cộng đồng. Kết quả từ các cuộc điều tra được nêu trong báo cáo này chứng minh các chợ, lò mổ và nhà hàng liên quan đến nạn buôn bán thịt mèo cũng thường đồng thời tham gia vào hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp và hoạt động buôn bán thịt chó. Do đó, hoạt động buôn bán thịt mèo tại Việt Nam tiềm ẩn các điều kiện tương đồng với những nơi được cho là bắt nguồn đại dịch COVID-19 tại Vũ Hán, Trung Quốc. Cần phải chấm dứt nạn buôn bán thịt mèo để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và ngăn chặn đại dịch thảm khốc trong tương lai.
Do đó, tổ chức FOUR PAWS và tổ chức Thay đổi vì Động vật kêu gọi Chính phủ Việt Nam hành động mạnh mẽ và ngay lập tức để thực thi luật pháp và các quy định hiện hành nghiêm cấm buôn bán, giết mổ và tiêu thụ thịt mèo, dựa trên các yếu tố: sự tàn ác cực độ, sự bất hợp pháp và nguy hiểm của các hoạt động có liên quan, mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng, và sự bất mãn cùng với bất ổn xã hội gây ra do thú cưng bị bắt trộm để cung ứng cho nạn buôn bán.
Source